Theo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Nhiều người Việt không uống đủ nước cho nhu cầu của cơ thể, trong khi chế độ ăn thường ngày chỉ đáp ứng được khoảng 50% – 70% nhu cầu đối với 1 số khoáng chất theo khuyến nghị. Nguồn chất đạm trong chế độ ăn chưa đa dạng, chủ yếu là đạm đến từ các loại thịt đỏ khiến việc thiếu nước, thiếu vitamin và khoáng chất càng cần được quan tâm. Trong khi đó, khoáng chất, như Canxi, Magie, Photpho, Kali, Natri,.. có vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và tăng mật độ xương, dẫn truyền xung động thần kinh, điều hòa tim mạch, tuần hoàn máu, tiêu hóa, duy trì cân bằng nội môi… đảm bảo sự phát triển toàn diện, duy trì sự khỏe mạnh và dẻo dai cho cơ thể. Trong quá trình vận động, cơ thể không chỉ bị mất nước mà còn mất cả các khoáng chất quan trọng, nên việc bổ sung khoáng chất thông qua nước uống mỗi ngày là vô cùng cần thiết.
Nước trong thiên nhiên luôn có khoáng chất. Nước chỉ có H2O không hề tồn tại trong tự nhiên mà chỉ mới xuất hiện từ thập niên 1960 khi các công nghệ xử lý nước nhân tạo ra đời, ban đầu là cho mục đích dùng trong công nghiệp.
Với mục tiêu lọc sạch tạp chất, mùi vị và vi sinh vật trong nước, một số công nghệ lọc như qua màng lọc RO đã vô tình loại bỏ hoàn toàn khoáng chất có tự nhiên trong nước. Phương pháp lọc RO hiện được sử dụng rộng rãi tại các hộ gia đình và trong các nhà máy sản xuất nước lọc tinh khiết trên toàn cầu.
Nước sau khi lọc bỏ hết chất khoáng thiết yếu thường chỉ có tổng hàm lượng chất rắn hòa tan (TDS) là 1mg/ L[/caption] Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi uống nước bị mất khoáng chất hoặc có tổng hàm lượng chất rắn hòa tan (TDS) < 50mg/l, người dùng không có cảm giác đã khát. Việc sử dụng lâu dài còn có thể dẫn đến các tình trạng tăng thải nước của cơ thể, hạ kali máu, mất các khoáng chất như Natri, Kali, Canxi và Magiê.
BS. CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết hàng ngày chúng ta cần cung cấp cho cơ thể khoảng 2,5 lít nước. Nguồn nước tự nhiên như nước khoáng, nước suối là nguồn nước tốt cho sức khỏe vì ngoài nước còn cung cấp thêm chất khoáng cho cơ thể. Những nguồn nước tự nhiên được đánh giá là có chất lượng tốt và phù hợp để uống hàng ngày nếu có TDS trên 100mg/lít và dưới 500mg/lít. Nước khoáng không chỉ giúp cơ thể bù đắp lượng nước hao hụt trong quá trình vận động, chuyển hóa mà còn cung cấp thêm lượng chất khoáng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày:
+ Natri: Chất điện giải quan trọng của cơ thể giúp cân bằng nội môi, duy trì cân bằng pH máu, điều hòa áp lực thẩm thấu. Thiếu natri sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, chuột rút…
+ Kali: rất quan trọng cho hoạt động của tế bào, giúp cơ bắp hoạt động hiệu quả hơn và giảm nguy cơ đột quỵ.
+ Magie giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, dẫn truyền thần kinh, chống lão hóa. Bù khoáng Magie kịp thời bằng nước khoáng hàm lượng thấp sẽ giúp đầu óc tỉnh táo, cơ thể phản ứng nhanh nhạy.
+ Canxi là thành phần chính của xương, răng và không thể thiếu cho hoạt động thần kinh cơ. Canxi còn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chiều cao, phòng ngừa còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người trưởng thành. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khoáng chất tự nhiên trong nước khoáng tồn tại dưới dạng ion rất dễ hấp thu. Thậm chí cơ thể chúng ta hấp thu tốt Magiê trong nước khoáng thiên nhiên hơn cả trong thức ăn.
Điều này lý giải vì sao sử dụng nước khoáng thiên nhiên mỗi ngày đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn để bổ sung nước cũng như khoáng chất cho cơ thể. Box: Không được phép bổ sung khoáng chất vào nước khoáng thiên nhiên Theo quy chuẩn được Bộ Y tế ban hành, nước khoáng thiên nhiên phải được lấy từ nguồn nước khoáng ngầm tích tụ sâu trong lòng đất, cách xa mọi yếu tố ô nhiễm. Để đảm bảo chất lượng và độ tinh khiết tự nhiên, nước khoáng phải được đóng chai tại nguồn với yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt, không được xử lý hóa chất, không được phép bổ sung khoáng chất. Lợi ích sức khỏe từ nước khoáng thiên nhiên cũng chính nhờ yếu tố này. (Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống, Báo Thanh Niên)